Khai mạc Khóa đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, thương mại điện tử và logistics tại Hải Phòng
Thứ Hai, 09/12/2024 12:18
Sáng 09/12, Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ kỹ thuật MLC, Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương thành phố Hải Phòng tổ chức “Khóa đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, thương mại điện tử và logistics” cho các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.
Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật thuộc Quỹ đặc biệt Dự án Mê Công – Lan Thương, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo của các cơ quan quản lý, các Hiệp hội doanh nghiệp, các Viện, Trường để phục vụ nhu cầu công việc cũng như công tác nghiên cứu, từ đó nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng các FTA nói chung và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng.

Quang cảnh buổi đào tạo
Khóa đào tạo diễn ra trong 5 ngày dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các nội dung bao gồm 04 chủ đề chính: Cập nhật về các xu hướng hội nhập kinh tế, thương mại – đầu tư, các FTA và các rào cản phi thuế quan đối với thương mại quốc tế; Nghiệp vụ xuất nhập khẩu, mua hàng và thanh toán quốc tế trong bối cảnh hiện nay; Hoạt động logistics và quản trị chuỗi cung ứng toàn diện trong bối cảnh hiện nay; Tình hình phát triển thương mại điện tử khu vực và thế giới, những xu hướng mới và cam kết thương mại điện tử trong các FTA của Việt Nam.
Tại buổi đào tạo, Thạc sĩ Phùng Thị Lan Phương - Chuyên gia cao cấp, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Tư vấn Đầu tư và Tận dụng Hiệp định Thương mại tự do KTP đã chia sẻ, cập nhật cho học viên về các xu hướng mới trong xuất nhập khẩu, thương mại dịch vụ và đầu tư toàn cầu nói chung và sự dịch chuyển theo mặt hàng, lĩnh vực cũng như vị thế của Việt Nam trong các xu hướng đó. Đồng thời, cung cấp thông tin quan trọng về sự ra đời, hình thành và phát triển các FTA trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam, cơ hội và thách thức từ các FTA nói chung và Việt Nam nói riêng.

Các đại biểu tham dự Lễ Khai mạc Khóa đào tạo
Theo số liệu của OECD năm 2024, chỉ số DVA (Domestic Value Added) là chỉ số giá trị gia tăng trong tổng xuất khẩu của Việt Nam còn tương đối khiêm tốn ở mức 52%, từ đó định hướng giải pháp tối ưu lợi ích của các FTA mà Việt Nam tham gia đối với doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Tại buổi học này, các học viên cũng được giới thiệu và hướng dẫn sử dụng về các công cụ thương mại quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp tra cứu về mức thuế và các biện pháp phi thuế quan áp dụng đối với từng mặt hàng xuất khẩu thông qua các công cụ quốc tế như: https://globaltradehelpdesk.org/; https://www.trademap.org/; https://wits.worldbank.org/; https://globaltradehelpdesk.org/; https://www.macmap.org/; https://findrulesoforigin.org/ v.v.. cũng như hàng loạt công cụ tra cứu của các nước đối tác thương mại lớn như: https://www.cbi.eu/; https://www.customs.go.jp/english/tariff/index.htm; https://dataweb.usitc.gov/, v.v..